Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra công tác phòng,chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi, hoạt động của hợp tác xã và Chương trình OCOP

  Trong hai ngày 24 và 25/02/2022, ông Phạm Minh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã đến kiểm tra công tác phòng chống bệnh Dịch tả heo Châu Phi, hoạt động của hợp tác xã và Chương trình OCOP tại hai huyện Càng Long và huyện Cầu Kè. Cùng đi còn có ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện lãnh đạo Văn Phòng Sở, Chi cục Phát triển nông thôn và Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

         Theo báo cáo năm 2021 và từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện Càng Long bệnh Dịch tả heo Châu Phi xảy ra tại 8/14 xã, thị trấn với gần 1.300 con heo mắc bệnh, tiêu hủy, trọng lượng tiêu hủy gần 40 tấn. Còn tại huyện Cậu Kè, bệnh xảy ra ở 11/11 xã, thị trấn, đã tiêu hủy trên 3.000 con, trọng lượng tiêu hủy trên 194 tấn. Đặc điểm của bệnh lần này xảy ra rải rác, không tập trung, chưa xác định được nguồn lây,… Qua phản ánh của các xã, thị trấn thì công tác phòng, chống dịch gặp khó do tình trạng vứt heo chết xuống sông, kênh, rạch vẫn diễn ra, hộ bán chạy heo bị bệnh hoặc nghi bệnh không khai báo hoặc chỉ khai báo những trường hợp heo không bán được, hộ không hợp tác trong khử trùng tiêu độc, hộ tái đàn khi dịch chưa qua 21 ngày cũng không khai báo với địa phương,… đây là điều kiện để dịch bệnh có thể tồn tại, lây lan và phát tán. Dự báo thời gian tới nguy cơ bệnh vẫn sẽ còn tiếp tục, tuy nhiên, tại buổi làm việc, các địa phương đều cho biết sẽ nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực khống chế dịch trong thời gian sớm nhất.

Hình ảnh buổi làm việc tại huyện Cầu Kè

         Hiện tại, bệnh Dịch tả heo Châu Phi chưa có vắc xin tiêm phòng. Công tác phòng bệnh chính vẫn là người nuôi heo phải áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, khử trùng tiêu độc định kỳ, nếu dịch bệnh xảy ra cần sớm tiêu hủy heo bị bệnh. Cần thực hiện nghiêm túc “5 không” trong chăn nuôi, đó là: Không dấu dịch; Không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; Không giết mổ tiêu thụ heo bệnh, heo chết; Không sử dụng thức ăn thừa chưa qua xử lý nhiệt, (và) Không vứt heo chết ra môi trường. Ngoài ra, đối với chăn nuôi trang trại cần phải thực hiện khuyến cáo 10 cấm, gồm: (1) Cấm sử dụng thức ăn thừa của người, các phụ phẩm chưa xử lý nhiệt cho heo ăn; (2) Cấm đưa thịt heo và các sản phẩm từ heo vào trang trại; (3) Cấm động vật hoang dã, nuôi và thả rông các động vật khác trong trại; (4) Cấm người lạ vào trại khi chưa được phép; (5) Cấm mang đồ sinh hoạt, thiết bị cá nhân vào trại nuôi heo; (6) Cấm xe vận chuyển bên ngoài vào khu vực nuôi; (7) Cấm tuyệt đối các xe mua heo vào trang trại; (8) Cấm vận chuyển heo từ vùng dịch vào trang trại; (9) Cấm sử dụng nước sông, hồ làm nước uống cho heo; và (10) Cấm bán hoặc giết mổ heo bệnh, heo chết hoặc đưa heo bệnh, heo chết ra khỏi trại.

         Về hoạt động của các hợp tác xã, hợp tác xã là một tiêu chí bắt buộc trong xây dựng nông thôn mới, hai huyện Càng Long và huyện Cầu Kè có 41 hợp tác xã với gần 2.000 thành viên, vốn điều lệ gần 15 tỷ đồng. Thời gian qua, hoạt động của nhiều hợp tác xã hiệu quả chưa đạt như mong đợi, do gặp khó khăn về đầu ra của sản phẩm, không còn tài sản để thanh toán các khoản nợ (nhất là nợ thuế), các thành viên thiếu sự gắn kết, năng lực lãnh đạo hợp tác xã hạn chế,… Tại huyện Càng Long, có 8 hợp tác xã ngưng hoạt động kéo dài phải thực hiện giải thể và trong năm 2021 đã hoàn tất thủ tục giải thể 2/8 hợp tác xã.

Đại diện Ủy ban nhân dân xã Thạnh Phú, huyện Cầu Kè, phát biểu tại buổi làm việc

 Về Chương trình OCOP, qua 3 năm triển khai, huyện Càng Long 11 sản phẩm đạt OCOP, huyện Cầu Kè có 9 sản phẩm. Huyện Cầu Kè là địa phương có nhiều sản phẩm tiềm năng 05 sao nhất trên địa bàn tỉnh (chiếm 4/5 sản phẩm). Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP được chứng nhận chưa xứng với tiềm năng của địa phương, như huyện Càng Long chỉ mới có 6/14 xã có sản phẩm OCOP, huyện Cầu Kè tương tự. Nguyên nhân là do các sản phẩm còn đơn giản, sản xuất không đăng ký kinh doanh, không có giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm không có bao bì nhãn mác, cán bộ địa phương chưa hiểu thế nào là sản phẩm OCOP, chủ thể chưa nắm rõ quy trình thủ tục đăng ký để được chứng nhận,… 

Đại diện Ủy ban nhân dân xã Bình Phú, huyện Càng Long,  phát biểu tại buổi làm việc

         Sau khi nghe báo cáo và phản ánh của các địa phương, ông Phạm Minh Truyền đề nghị Ủy ban nhân dân huyện Càng Long, huyện Cầu Kè và chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, Chi cục Phát triển nông thôn thực hiện một số nội dung sau:

          – Đối với bệnh Dịch tả heo Châu Phi, cần đẩy mạnh hơn nữa, làm tốt công tác tuyên truyền qua Đài Truyền thanh huyện, Trạm Truyền thanh xã, thị trấn, phát loa ở khu vực đông dân cư, xây dựng các phóng sự, các chương trình chuyên đề về bệnh và các biện pháp phòng, chống. Xem xét, nghiên cứu tuyên truyền cho đối tượng là học sinh để tác động phụ huynh về phòng, chống dịch. Giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chịu trách nhiệm xây dựng nội dung, cung cấp tài liệu và là đơn vị chủ công, chủ động phối hợp địa phương trong công tác tuyên truyền. Nội dung tuyên truyền cần phải cô đọng, ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và phải sát với thực tế của địa phương.  

         – Về hoạt động của hợp tác xã và Chương trình OCOP, giao Chi cục Phát triển nông thôn chủ động phối hợp địa phương rà soát lại hoạt động của các hợp tác xã, Chương trình OCOP và phải có giải pháp tháo gỡ từng vướng mắc cụ thể. Tổ chức tập huấn lại cho hợp tác xã, cán bộ, chủ thể OCOP hiểu rõ về hoạt động hợp tác xã, hiểu rõ về Chương trình OCOP và quy trình thực hiện.

Văn Đoái

Share:

Author: SNN Tra Vinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *