TCDN – Tỉnh Trà Vinh, với vị trí nằm giữa sông Tiền và sông Hậu, có hệ sinh thái nước mặn đa dạng, thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản phát triển. Diện tích đất cồn và bãi bồi ven biển của tỉnh Trà Vinh rất lớn (khoảng 15.000ha), thích hợp cho nghề nuôi nghêu, sò.
Nghề nuôi nghêu tại tỉnh Trà Vinh, bắt đầu hình thành và phát triển muộn hơn nhiều so với các tỉnh trong khu vực đồng bằng Sông Cửu Long. Từ trước năm 2003, một số bãi bồi ven biển của Trà Vinh xuất hiện nhiều nghêu tự nhiên, hàng năm khi đến mùa vụ, có hàng ngàn phương tiện khai thác thủy sản từ các tỉnh đổ về đây khai thác. Quá trình khai thác của ngư dân các tỉnh làm cho nguồn lợi thủy sản nghêu ngày càng cạn kiệt, nhiều vấn về an ninh trật tự diễn biến phức tạp, vấn đề môi trường sinh thái bị ảnh hưởng lớn. Trong khi đó, người dân tại địa phương không được hưởng lợi nhiều từ các bãi bồi này.
Xuất phát từ thực tiễn trên, chính quyền địa phương đã chỉ đạo, vận động người dân trong tham gia vào tổ hợp tác để quản lý, bảo vệ và khai thác, đồng thời tạm giao phần diện tích đất bãi bồi này cho tổ hợp tác (THT) quản lý. Ngoài ra, dưới sự hỗ trợ tích cực từ tổ chức Oxfam tại Việt Nam về tài chính và trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, các THT đã đầu tư mua thêm giống nghêu về thả nuôi, bước đầu đã đem lại hiệu quả khá cao. Kết quả sau quá trình tạm giao cho THT quản lý, người dân tại địa phương đã được hưởng lợi lớn từ bãi bồi này, góp phần giúp nhiều hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, bãi bồi được THT quản lý và bảo vệ tốt (không bị khai thác cát trộm) diện tích bãi bồi ngày càng tăng. Qua quá trình hoạt động đến nay, do nhu cầu phát triển nên các THT đã phát triển lên thành Hợp tác xã (HTX).
Toàn tỉnh Trà Vinh hiện có 07 HTX nuôi nghêu, được Nhà nước giao hơn 3.500ha đất bãi bồi ven biển để nuôi nghêu. Điểm mạnh của mô hình HTX là khuyến khích tính tự nguyện gia nhập HTX của người dân tại địa phương. Khi tham gia vào HTX, người dân có quyền bình đẳng, biểu quyết ngang nhau không phụ thuộc vốn góp trong việc quyết định tổ chức, quản lý và hoạt động củaHTX; được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác về hoạt động sản xuất, kinh doanh, tài chính, phân phối thu nhập và những nội dung khác theo quy định của điều lệ của HTX. HTX hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó khi người dân tham gia vào HTX có trách nhiệm thực hiện cam kết được quy định trong điều lệ.
Tổng sản lượng nghêu thương phẩm của tỉnh thu hoạch mỗi năm khoảng hơn 4.000 tấn. Sản phẩm nghêu tại Trà Vinh được nuôi thả tự nhiên, nghêu thành phẩm có kích thước lớn, sạch cát, thịt dày và vị ngọt đặc trưng.
Việc áp dụng công nghệ khoa học vào ngành nghêu ở Trà Vinh còn hạn chế từ khâu chọn giống, nuôi thương phẩm, cho đến thu hoạch. Đặc biệt, ở khâu thu hoạch, việc thu hoạch nghêu thương phẩm tại Trà Vinh hoàn toàn bằng thủ công. Nếu như trước đây lao động thu hoạch nghêu là người địa phương hoặc là thành viên HTX tham gia thu hoạch thì hiện nay việc thuê mướn lao động tại địa phương để thu hoạch gặp nhiều khó khăn. Vì đa số lao động đã chuyển sang làm ở các nhà máy, xí nghiệp… điều kiện làm việc ở những nơi này tương đối tốt hơn so với nghề thu hoạch nghêu và có thu nhập ổn định hơn. Do đó, đa số các HTX đều thuê lao động thu hoạch nghêu từ ngoài tỉnh với chi phí cao.
Bên cạnh đó, sự chuyển hướng thu mua của thương lái và nhu cầu của thị trường về sản phẩm nghêu phải đồng đều, do đó phân loại theo hình thức thủ công sẽ khó đáp ứng nhu cầu về năng suất và có mức chi phí khá cao. Nhu cầu mua nghêu được phân loại ra các kích cỡ (loại 50-60 con/kg, loại 40-50 con/kg…) thay vì mua đại trà theo xô như trước đây. Việc bán nghêu theo kích cỡ không chỉ mang lại giá trị doanh thu tốt hơn mà còn mang lại hiệu quả ở khâu nuôi, bởi đối với nghêu nhỏ không đạt kích cỡ yêu cầu, HTX sau khi khai thác không bán mà tiếp tục thả lại bãi nuôi. Tuy nhiên việc phân loại nghêu hiện nay tại Trà Vinh hoàn toàn bằng thủ công và thực hiện ngay tại nơi khai thác. Công cụ phân loại thủ công hiện nay có 02 loại gồm: loại sử dụng cho 01 lao động và loại sử dụng cho 04 lao động. Tuy nhiên, nhược điểm của phân loại theo hình thức này chỉ phân ra được một cỡ, nếu muốn phân ra thêm nhiều loại nghêu có kích cỡ khác nhau thì phải sàng qua nhiều lần, với mắt lưới khác nhau, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến chất lượng nghêu.
Trước những bất cập trong đánh bắt và phân loại nghêu thủ công tại Trà Vinh, dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu/Tre ở Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ đã hỗ trợ cho mỗi HTX 01 máy khai thác nghêu và 02 máy phân loại nghêu theo kích cỡ cho HTX Ba Vinh và HTX Tiến Thành. Từ năm 2020 đến nay, các HTX đã tiến hành áp dụng máy móc thiết bị vào đánh bắt và phân loại nghêu.
Nhật xét về việc sử dụng máy móc trong khai thác, ông Đặng Xuân Thảo – Giám đốc HTX Nghêu Phương Đông tỉnh Trà Vinh chia sẻ: HTX Phương Đông canh tác nuôi nghêu trên diện tích 183ha, thu hoạch 500-1500 tấn nghêu thương phẩm mỗi vụ. Trước đây, thời gian thu hoạch phụ thuộc vào con nước, đợi nước ròng nổi bãi lên mới có thể thu hoạch, và vì phải canh con nước nên mỗi tháng chỉ có thể thu hoạch 6-7 ngày. Khi sử dụng máy, kể cả có nước máy vẫn có thể hoạt động, thời gian thu hoạch chủ động, có tháng HTX sử dụng máy hơn 20 ngày để tiến hành thu hoạch nghêu. Việc thu hoạch liên tục và chủ động giúp không làm gián đoạn khâu cung cấp sản phẩm cho các công ty, xí nghiệp, nhờ vậy giá bán ổn định hơn. Không chỉ giảm thời gian mà chi phí cho việc khai thác cũng giảm đáng tới 50%. Trước đây tính bình quân chi phí khai thách 1kg nghêu hết 7.000 đồng. Trong năm 2020, tính chi phí khai thác trên tổng số nghêu thì chi phí trung bình chỉ còn 3.000 đồng/kg. Việc áp dụng kỹ thuật khai thác không chỉ rút ngắn thời gian khai thác, rút ngắn chi phí quản lý và chi phí sản xuất mà còn có tác động tốt trong xử lý môi trường nuôi nghêu. Ông Thảo cho biết, khi thu hoạch bằng máy thì các phế phẩm như vỏ nghêu sẽ bám vào lưới và được làm sạch, như vậy việc khai thác đồng thời với vệ sinh sân bãi, khi thả nghêu mới tỷ lệ chết vì ô nhiễm thấp, tỷ lệ nghêu trưởng thành cao hơn.
Việc phân loại nghêu thủ công bằng tay có năng suất thấp, phân loại trung bình của 01 lao động khi sử dụng sàng đơn là khoản 200-300kg/giờ (sàng sử dụng cho 01 lao động) cho một cỡ nghêu. Sàng sử dụng cho 4 lao động năng suất đạt 1.200kg – 1.500kg/giờ. Trong khi, mỗi máy khai thác nghêu đạt năng xuất 3.500 – 5.000kg/giờ. Vì vậy, để có đủ lao động cho việc phân loại nghêu thì cứ mỗi máy khai thác nghêu cần trên 10 lao động để phân loại.
Sau khi được dự án tổ chức đi khảo sát thực tế tại các vùng thu mua nghêu ở Hải Phòng, Nam Định, tận mắt nhìn thấy hiệu quả của việc áp dụng kỹ thuật vào phân loại nghêu, HTX Tiến Thành và Ba Vinh đã có công văn đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đơn vị phụ trách hợp phần Xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường của dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Nghêu và Tre” hỗ trợ triển khai ứng dụng kỹ thuật này.
Hai HTX đã được hỗ trợ máy với công suất khá cao, trung bình phân loại đạt 7 – 10 tấn/giờ với 03 lao động vận hành 01 máy, chi phí trung bình (bao gồm cả trả công cho 03 lao động) là 2,5triệu đồng/ tấn/giờ. Theo tính toán của các HTX, ứng dụng máy móc vào phân loại nghêu vụ nuôi 2020 – 2021 tiết kiệm chi phí rất lớn. Cụ thể, nếu phân loại thủ công thì HTX Ba Vinh phải tốn 350 triệu đồng cho 1 vụ nuôi, nhưng nếu phân loại bằng máy chỉ tốn 87,5 triệu đồng; HTX Tiến Thành nếu phân loại thủ công chi phí hết 1 tỷ đồng, nếu phân loại bằng máy chỉ tốn 250 triệu đồng.
Việc áp dụng máy móc kỹ thuật vào khai thác và phân loại nghêu bảo đảm giữ gìn cân bằng hệ sinh thái nuôi nghêu tại Trà Vinh không chỉ giúp các HTX giải được bài toán về khan hiếm lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn tạo ra cơ hội cho các HTX có thể liên kết bán sản phẩm cho doanh nghiệp, tham gia sâu hơn vào liên kết thị trường, tăng thu nhập, góp phần nâng cao sinh kế cho người dân nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Nguyễn Trung Vẹn